Lịch sử nước Phù Nam (Funan)
Truyền thuyết hình thành đất nước Phù Nam
Theo Khang Thái, sứ giả của Ngô Tôn Quyền thời Tam Quốc đã từng tới Phù Nam giữa thế kỷ thứ 3 chép trong sách Phù Nam thổ tục thì xứ này do một người phụ nữ tên Liễu Diệp (Liu Yeh) cai trị. Sau đó một người nước ngoài, có lẽ là một quí tộc người Ấn Độ hay là một tăng lữ Balamôn tên Kaunđinya (Sách Trung Quốc gọi là Hỗn Điền), sang đã cưới Liễu Diệp và lập ra một triều đại tại đây.
Truyền thuyết kể ông ta từ miền Đông Ấn Độ mang theo một chiếc nỏ thần và một đạo quân hơn ngàn người vượt biển sang đánh chiếm xứ Koh Thlok.
Công chúa xứ này là Sôma (con gái của thần mặt trăng – sách Trung Quốc gọi là Liễu Diệp), con vua Naga, đã chống cự lại kẻ xâm lược. Nhưng sau khi bị nỏ thần bắn thủng nhiều chiến thuyền, nàng công chúa đành phải đầu hàng và thuận để cho Kaunđinya lên ngôi vua, lấy mình làm vợ; rồi sinh ra dòng dõi vua chúa thống trị xứ Koh Thlok, sau này là Phù Nam. Theo các truyền thuyết địa phương thì vị ẩn sĩ Ấn Độ này tên là Kambu đã kết hôn với nữ thần Mera và con cháu của họ được gọi là Kambuja (con cháu của Kambu) và tên ghép của hai vợ chồng trở thành tên dân tộc là Kambu-Mera, Kmer hay Khmer.
Mặc dầu là truyền thuyết, nhưng ít nhiều nó cũng phản ảnh một thực tế lịch sử: Người Khơme vẫn coi Kaunđinya là người sáng lập ra đất nước và đã đem đến cho họ một nền văn hóa mới. Nhờ vị vua này, phụ nữ biết cách ăn mặc che thân, biết ngôn ngữ, văn tự sănxcơri, tôn giáo Balamôn, luật pháp Ấn Độ cùng chế độ chính trị xã hội thịnh hành ở Ấn độ thời bấy giờ…
Theo một truyền thuyết khác, vị vua đầu tiên sáng lập ra vương quốc Chân Lạp là Kampu. Ngài là một quốc vương tài giỏi, yêu thương dân chúng, được thần dân tôn sùng và kính trọng. Một lần, trên đường sang đất nước Indonesia xinh đẹp, ngài gặp nữ vương con gái vua rắn Naga kiều diễm, thông minh vượt trội, vừa dịu hiền, vừa quyết đoán. Quốc vương tuy mới gặp nhưng đã đem lòng yêu mến và quyết lấy nàng làm vợ. Sự dũng mãnh, oai phong và tài giỏi của quốc vương Kampu thể hiện trong các kỳ thi thử sức đầy gay go, quyết liệt của vua rắn Naga đã giúp ngài làm vừa lòng vị nhạc phụ tương lai khó tính và đưa nữ vương lên ngôi hoàng hậu. Quốc vương Kampu và Hoàng hậu Naga cùng nhau sáng lập và xây dựng nên đất nước Campuchia.
Danh xưng “Phù Nam” là gọi theo tiếng Trung Quốc, có lẽ do họ phiên âm từ tiếng Môn-Khơme cổ “boman”.(ngày nay nó được đọc là “phnom”, có nghĩa là núi, và các vua của vương quốc này đều lấy vương hiệu là “ kurung boman” có nghĩa là “vua Núi”).
Các triều đại vua Phù Nam
Thực sự thì Phù Nam là một quốc gia hỗn hợp gồm nhiều tộc người khác nhau, do một xứ Phù Nam chánh tông nắm địa vị tôn chủ và các tiểu quốc kia phải thần phục và cống nạp cho nó.
Triều đại Phù Nam đầu tiên có 4 đời vua kế tiếp nhau là:
Hỗn Điền
Con Hỗn Điền (chưa rõ tên họ)
Hỗn Bàn Huống
Hỗn Bàn Bàn
Tiếp đó một viên tướng khác lên ngôi, lập một triều đại khác bắt đầu là Phạm Sư Man (khoảng 220-280)
Phạm Sư Man
Phạm Chiêu
Phạm Tràng
Phạm Tầm
Vào thế kỷ thứ 5 tài liệu Trung Hoa có nói tới một ông vua tên là Trì Lê Đà Bạt Ma ở ngôi từ 424-438 rồi tới Đồ Da Bạt Ma và Lưu Đà Bạt Ma. Thư tịch cổ còn nói tiếp sau đó nước Phù Nam bị một nước khác ở phía Bắc đánh bại (cuối thế kỷ thứ 6, giữa thế kỷ thứ 7). Phù Nam tới đây là dứt.
Địa lý và công cuộc mở rộng lãnh thổ nước Phù Nam
Người ta biết về nước Phù Nam trước hết là nhờ những ghi chép của thư tịch cổ Trung Hoa như Lương thư (sử nhà Lương 502-556) là đầy đủ hơn cả. "Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam, trong một vịnh lớn ở phía Tây biển. Nước cách Nhật Nam chừng 7.000 lý và cách Lâm Ấp hơn 3.000 lý về phía Tây Nam. Đô thành cách biển 500 lý. Một con sông lớn từ Tây Bắc chảy về phía Đông và đổ ra biển. Nước rộng hơn 3.000 lý. Đất thấp và bằng phẳng. Khí hậu và phong tục đại để giống Lâm Ấp".
Thủ đô của Phù Nam có thể là Vyađapura, gần ngọn núi Ba phnom ở làng Banam, thuộc tỉnh Prây Veng.(ngày nay vẫn còn giữ nguyên tên cũ- Có giả thuyết khác cho rằng thủ đô đặt ở Angkor Borei)
Phù Nam là một quốc gia ven biển mà trung tâm là vùng Nam Bộ ngày nay của Việt Nam, cư dân chủ thể là người Mã Lai- Đa Đảo có truyền thống hàng hải và thương nghiệp khá phát triển . Trong quá trình mở rộng ảnh hưởng từ thế kỷ III đến thế kỷ VI, Phù Nam đã phát triển thành đế chế lớn mạnh.
Theo sử liệu Trung Hoa, các vua Phù Nam bắt đầu từ đời thứ 5 là Phạm Mạn đã liên tục thôn tính hơn 10 nước mở rộng lãnh thổ đến 5,6 nghìn dặm bao gồm các nước Đô Côn, Cửu Trì, Đốn Tốn, Xích Thổ, Bàn Bàn, Đan Đan…những tiểu quốc này đều nằm trên bán đảo Mã Lai và một phần hạ lưu sông Mê Nam.
Và sau cuộc khai quật vào năm 1944, nhà khảo cổ L.Malleret đã cho rằng Óc Eo là một thành phố cảng lớn và trọng yếu của vương quốc Phù Nam, theo cách gọi của người Hoa thời bấy giờ.
Trên bản đồ vị trí hành chính tỉnh An Giang, thị trấn Óc Eo (một phần của xã Vọng Thê cũ) cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 40 cây số, theo tỉnh lộ 943.
Nơi này đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII.
Đó là một nền văn hoá biển, hình thành và phát triển ở miền Tây sông Hậu, cư dân Oc Eo-Phù Nam đã sớm thành thạo trong kỹ thuật khai thác biển, có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong việc trị thuỷ, làm thủy lợi và phát triển kinh tế hải thương.
Do đón nhận được và biết phát huy những điều kiện thuận lợi của vị thế tự nhiên, Phù Nam đã trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất Đông Nam á đồng thời là nơi tiếp nhận và truyền phát văn hoá giữa hai thế giới phương Đông (Trung Hoa, Ấn Độ) và phương Tây (La Mã, Ba Tư)…
Chính vì vậy, Óc Eo hiện chứa đựng trong mình một trữ lượng tài liệu lịch sử vô cùng phong phú, minh chứng cho sự tồn tại của một dân tộc, của một nền văn minh, một quốc gia đã từng hiện hữu trên đất nước Việt Nam.
Theo nhà dân tộc học người Pháp Pierre Bitard thì từ Óc Eo đồng âm với chữ Khmer địa phương là “Ur Kev”. Khi phát âm danh từ đó, nghe gần giống âm “Ô kéo” .Từ ấy có nghĩa là rạch ngọc. Nhưng nhà nghiên cứu George Coedes lại không đồng tình vì cái tên “Ur Kev” không phải là từ cổ lắm. Bởi lẽ, từ “Kéo”(đá ngọc) là một từ thuộc nhóm ngôn ngữ Thái, nó không hề có ở Kampuchia thời Angkor (thế kỷ VIII – XII), càng khó có thể xuất hiện ở thời Phù Nam (thế kỷ I – VI).
Câu chuyện vì sao gọi là Óc Eo hẳn còn tiếp tục tranh luận.
Ngày nay, ở huyện Thoại Sơn, An Giang; hầu hết những gò nhỏ, kể cả gò Óc Eo, từ rất lâu đều đã bị người dân san phẳng để làm ruộng. Chỉ những gò lớn như Gò Cây Thị,Giồng Cát, Giồng Xoài.. là còn tồn tại.
Trình độ văn hóa
Bằng chứng về một nền văn hoá đa sắc và rực rỡ:
Dưới những hố khai quật ở Oc Eo đã tìm thấy nhiều di cốt của vật nuôi như chó, heo, gà, mèo…
Trong những hình khắc trên vật dụng và trang sức bằng gốm, đồng và vàng có hình voi được đóng bành trên lưng.
Thuần dưỡng được loài súc vật to lớn như voi để làm công cụ, chứng tỏ cư dân Phù Nam cổ đã có một trình độ phát triển rất cao.
Việc này thư tịch cổ Tân Đường thi đã ghi: “Họ có 5.000 voi chiến (…),thời Trúc Chiên Đàn (vua Phù Nam) xưng vua, sai sứ sang cống voi đã thuần dưỡng”…
Đoạn thư tịch trên còn là bằng chứng:
Phù Nam khi ấy đã là một nhà nước tập quyền, trong khi xã hội Sa Huỳnh, một nền văn minh kề cận (kết thúc thế kỷ I), vẫn chưa thấy dấu vết của một nhà nước có tổ chức.
Theo Lê Hương trong Sử liệu Phù Nam: năm 224 một văn phòng thương mãi Phù Nam thành lập gần thủ phủ Nam Kinh (Trung Quốc) gọi là Phù Nam quán. Và theo 2 sứ giả người Hoa là Châu Ứng (Tchou Ying) & Khang Thái (Kang Tai) thời Đông Ngô đã tường thuật lại rằng:
“Vương Quốc Phù Nam bề ngang rộng 399 hải lý, có nhiều đô thị, có tường cao bao quanh và bên trong có nhà ở…
Nước da người dân màu đen, tóc quăn, xấu xí…Đàn bà mặc cái chăn tròng từ cổ tới chân, xỏ lỗ tai để đeo bông tòn ten.
Nếp sống tuy rất đơn giản nhưng họ không trộm cắp . Họ làm nghề nông theo lối cổ, gieo trồng một lần gặt hái luôn trong 3 năm. Họ thích điêu khắc và dùng đục chạm trổ rất khéo; nhiều món đồ dùng để ăn cơm như chén đĩa đều làm bằng bạc.Dân chúng đóng thuế bằng vàng bạc, trân châu & dầu thơm.
Họ biết đọc sách & có văn khố. Văn tự của họ giống như nét chữ của dân Hồ, một sắc dân ở Trung Á dùng Ấn tự.
Cảnh vật trong xứ rất đẹp…”
Trong sách Kiến thức phục vụ, thuyết minh du lịch của Hiệp hội du lịch TP HCM soạn, xb năm 1995; diễn dẫn tư liệu cổ cũng của Trung Quốc, nhưng không cho biết tên, cho biết thêm:
Người Phù Nam, kể cả phụ nữ, dùng voi làm phương tiện di chuyển và đi săn. Săn bắn là một sinh hoạt kinh tế quan trọng của dân chúng đồng thời cũng là thú tiêu khiển của tầng lớp quyền quí.
Ngoài ra, họ còn ham thích việc chọi gà và chọi lợn.
Về lễ tang: khi có tang, người chịu tang phải cạo cả râu tóc; và tục mai táng có 4 cách: hỏa táng, thủy táng, chôn cất, điểu táng( để chim rỉa xác).
Ở quốc gia cổ này, vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền. Nhà vua tự xưng là hiện thân của thần linh, có nhiều quyền lực tối cao và tôn giáo (chủ yếu là đạo Bà La Môn & đạo Phật) được sử dụng như một công cụ hữu hiệu của giai cấp thống trị…
Ngoại giao
Đến thời Tam Quốc (220-280), Phù Nam đã thiết lập quan hệ bang giao với nước Ngô.
Theo Ngô thư thì vào tháng chạp năm Xích Ô thứ sáu (243), Vua Phù Nam là Phạm Chiên sai sứ sang dâng nhạc công và nhiều sản vật địa phương. Sau này khi đánh chiếm Giao Châu và Cửu Chân, Vua Ngô cũng đã sai người đến các nước phương Nam. Vua các nước Phù Nam, Lâm Ấp và Minh Đường đều sai sứ dâng cống.
Sách Lương thư còn cho biết Tôn Quyền nước Ngô đã sai Chu Ứng và Khang Thái đi sứ các nước phía Nam, trong đó có Phù Nam. Sau khi đi sứ về, Khang Thái có viết quyển Phù Nam thổ tục còn gọi là Phù Nam truyện.
Các sách có liên đại muộn hơn vào các thế kỷ VI-VII như Trần thư, Tuỳ thư,Thông điển, Tân Đường thư… đều có chép khá tỉ mỉ về vương quốc.
Như vậy, những nguồn sử liệu thư tịch kể trên không chỉ ghi nhận sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam mà còn ghi nhận các mối quan hệ rộng và rất thường xuyên của vương quốc này với các triều đại phong kiến Trung Quốc.
Không chỉ vậy, qua những dấu tích vật chất ta biết họ còn có mối quan hệ giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài như Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải.
Theo một văn bản viết hồi thế kỷ thứ V do nhà học giả Pháp P.Pelliot dẫn dụng, thì vua Phù Nam là Phạm Chuyên có phái sứ thần của mình sang Ấn Độ. Sứ thần được đón tiếp nồng nhiệt và lúc ra về họ được vua triều Murunđa trao cho 4 con ngựa chiến để đem về tặng nhà vua Phù Nam…
Sự suy tàn của đất nước Phù Nam
Vào thế kỷ thứ V, tiểu quốc của người Cát Miệt, lúc bấy giờ ở vùng trung lưu sông Mê Kông và khu vực phía Bắc Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề sống chính, cũng trở thành một thuộc quốc Phù Nam.
Cát Miệt chính là phiên âm chữ Hán tộc danh khơ-me. Trong nhiều thư tịch cổ, thuộc quốc này về sau có tên gọi là Chân Lạp (Tchenla)
Mặc dù là thuộc quốc của Phù Nam, nhưng Chân Lạp đã nhanh chóng phát triển thành một vương quốc độc lập vào thế kỷ VI và nhân sự suy yếu của Phù Nam sau một thời kỳ phát triển rực rỡ, họ đã tấn công chiếm lấy một phần lãnh thổ của đế chế này vào đầu thế kỷ VII.
Để chỉ phần lãnh thổ Phù Nam kia, sách Trung Quốc gọi là “Thủy Chân Lạp”, nhằm phân biệt với vùng đất “Lục Chân Lạp”, tức là vùng đất gốc của Chân Lạp.
Mặc dầu chiếm đoạt được, nhưng trên thực tế, việc cai quản vùng lãnh thổ mới này đối với Chân Lạp gặp rất nhiều khó khăn.
Trước hết, với truyền thống quen khai thác các vùng đất cao, dân số còn ít ỏi, người Khmer khi đó khó có khả năng tổ chức khai thác trên quy mô lớn một vùng đồng bằng mới bồi lấp, còn ngập nước và sình lầy.
Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Chân Lạp đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Việc cai trị xứ Thủy Chân Lạp vì vậy vẫn phải giao cho những người thuộc dòng dõi Vua Phù Nam. Theo những tài liệu bi kí còn lại có thể thấy rằng, vào thế kỷ thứ VIII tại vùng trung tâm của Phù Nam trước đây vẫn còn tồn tại một tiểu quốc tên là Aninđitapura, do một người dòng dõi vua Phù Nam tên là Baladitya trị vì.
Và khi Phù Nam tan rã là lúc nhiều vương quốc nhỏ vốn là thuộc quốc hoặc chư hầu cũ nổi lên thành những nước mạnh. Trong số đó có Srivijaya của người Iava. Vào nửa sau thế kỷ VIII, quân đội nước này đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thủy Chân Lạp bị quân Iava chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya. Cục diện này mãi đến năm 802 mới kết thúc.
Vậy,trong vòng gần một thế kỷ, vùng đất Nam Bộ lại nằm dưới quyền kiểm soát của người Iava.
Trở lại vấn đề, một trở ngại khác nữa trong việc cai quản và phát triển vùng Thủy Chân Lạp là tình trạng chiến tranh diễn ra thường xuyên giữa Chân Lạp với Chăm pa, nên mãi cho đến thế kỷ XIII, cư dân ở vùng đất Nam Bộ hãy còn thưa thớt
Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu gần đây nhất, có thể thấy những di tích khảo cổ học mang dấu ấn Chân Lạp trên đất Nam Bộ trước thế kỷ XVI không nhiều, và ảnh hưởng văn minh Angkor ở vùng này cũng không đậm nét.
Rồi bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp còn phải đối phó sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương triều Ayuthaya hình thành vào giữa thế kỷ XIV.
Trong suốt 78 năm (từ 1353 đến 1431), Ayuthaya và Chân Lạp liên tiếp có chiến tranh trong đó chủ yếu là những cuộc tiến công Chân Lạp từ phía người Thái. Trong thời kỳ đó, có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng.
Sang thế kỷ XVI, và nhất là từ thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bì chia rẽ sâu sắc.Vương quốc này dần bước vào thời kỳ suy vong. Trong bối cảnh như vậy, Chân Lạp hầu như không có khả năng kiểm soát đối với vùng đất còn ngập nước ở phía Nam, vốn là địa phận của Vương quốc Phù Nam.
Thủy Chân Lạp (Phù Nam thuở nào) dần dà thuộc về các chúa Nguyễn:
Rất nhiều bài viết đã nói khá kỹ tiến trình này, ở đây tôi chỉ xin điểm lược lại một số ý :
Từ đầu thế kỷ XVII, đã có lưu dân người Việt ở vùng đất Thuận – Quảng của Chúa Nguyễn đến Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hoà) khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ.
Thế rồi vào năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là Công chúa Ngọc Vạn cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II làm Hoàng hậu của Vương triều Chân Lạp
Và Ngọc Vạn, người công nữ đức hạnh & xinh đẹp này, đã hai lần dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam. Lần thứ nhất sau cuộc hôn nhân năm 1620, lần thứ nhì trong cuộc tranh chấp nội bộ vương quyền Chân Lạp năm 1658, thời trị vì của Batom Reacha Pontana Reja ( tức hoàng thân So, con Ngọc Vạn – xin xem thêm bài soạn cũng cùng người viết: Ngọc Vạn, người không có “truyện” trong sử nhà Nguyễn).
Lý do vương triều Chân Lạp dễ dàng nhượng vùng hạ lưu sông Cửu Long, vì nguyên thủy vùng đất nầy không phải là đất của họ, mà là của nước Phù Nam (Funan) thủa xa xưa.
( Xin bạn đọc xem chi tiết trong bài Trước khi lưu dân Việt Nam tới, đất Sài Gòn xưa thuộc cư dân nào? của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, sách Địa chí văn hóa Tp HCM, nxb Tp HCM, năm 1987)
Vì không phải là đất của mình, lại rất ít dân sinh sống, không có người đủ tài đức cai quản, nguồn lợi thu về không là bao; nên vua chúa Chân Lạp dễ dàng dùng đất nầy làm quà tạ lễ các chúa Nguyễn đã giúp họ lên ngôi, hoặc giúp họ chống lại Xiêm La.
Vả lại, trong lịch sử, chuyện cắt đất để cầu phong, để củng cố thế lực hoặc cầu bình an cho vương triều là chuyện thường xảy ra ở chế độ phong kiến. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy ví dụ trong các sách, nhất là ở sử Tàu …
Như thế có nghĩa, người Việt đã không giành chiếm mà chỉ đến (cùng vài dân tộc khác như Hoa, Champa chẳng hạn) cộng cư với dân bản địa, đơn thuần buổi đầu chỉ là lý do mưu sinh với sự đồng thuận của cả hai vương triều.
Nhưng do tập quán sinh hoạt, canh tác của mỗi dân tộc ít nhiều có điểm khác nhau, như dân bản địa thích chọn ở nơi đất cao (giồng), trồng khoai sắn, làm ruộng chỉ cầu đủ ăn và ít muốn khai thác gì thêm; người Hoa thì thích buôn bán hơn.
Riêng người Việt,vì bấy lâu bẩn chật nơi mảnh đất miền Trung nhỏ hẹp, nghèo khó, lắm thiên tai; giờ được đứng trước vùng đất phương nam mênh mông nhiều sông nước này; nên cha ông ta với lòng hăm hở cộng thêm đức tính cần cù, không ngại khó; vì thế chẳng bao lâu nơi trước đây còn hoang vu, nhiều đầm lầy, rừng rậm, thú dữ…trở thành vô số những cánh đồng ngút ngàn màu mỡ, trĩu xanh.
Và cũng vì thói quen sống nên người bản địa thường lánh đi nơi khác…
Mãi về sau, năm 1698, nghĩa là đã tròn 40 năm, nếu tính từ năm1658, thời trị vì của Batom Reacha Pontana Reja ( tức hoàng thân So, con Ngọc Vạn), Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mới cử Nguyễn Hữu Cảnh đến thiết lập chủ quyền nơi vùng đất mới để bảo vệ cuộc sống bình an, sự làm ăn mua bán của cư dân mình vì chính quyền Chân Lạp thời bấy giờ cứ liên tiếp xào xáo, không ổn định.
Vậy có thể nói gọn:
Trước mắt của người Đàng Trong là một vùng đất mênh mông hoang vu cần khai khẩn để biến nó thành kho lương thực, thành tài sản quí giá cho người dân và quốc gia.
Với lòng khao khát này, tất nảy ra “Cái khó ló cái khôn”: Đấy chính là kế sách “tầm ăn dâu” khôn khéo của các chúa Nguyễn, là đường lối “dân đi trước, làng nước theo sau”, là tài thao lược khiến đối phương thì qui phục, dân thì tin yêu của các danh tướng như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại vv…
Và đặc biệt hơn cả, chính là tấm lòng son của một phận má hồng: Ngọc Vạn. Cho nên chỉ sau hơn một thế kỷ, tính từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XVII toàn bộ khu vực Nam Bộ đã hoàn toàn thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn và nhanh chóng trở thành vùng phát triển kinh tế – xã hội năng động.
Đây là thành quả lao động cần cù và sáng tạo của tất cả các cộng đồng dâncư trong guồng máy phát triển chung của đất nước, trong đó vai trò của các lớp cư dân người Việt, người Khmer, người Chăm và người Hoa…
Phù Nam & Chân Lạp là hai quốc gia khác nhau:
Cho tới nay, vẫn còn không ít người cho rằng nước Phù Nam là tiền thân của nước Chân Lạp. Quan điểm nhầm lẫn này được nêu ra đầu tiên trong các công trình nghiên cứu của các học giả của trường Viễn Đông bác cổ từ nữa đầu thế kỷ XX.
Sau này, nhờ những nguồn thư tịch cổ của Trung Quốc, vì họ phân biệt rất rõ, ta mới có đủ bằng chứng để xác định hai quốc gia này không phải là một.
Tùy thư, trong q.82 tờ 3, viết:
“Chân Lạp ở về phía Tây nam nước Lâm Ấp. Nguyên trước là thuộc quốc của Phù Nam. Sau họ ngày một hùng cường, vua Chân Lạp là Ksatriya Citrasena chiếm được Phù Nam và bắt thần phục…”
Tân Đường thư do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn trong Q.222, tờ 2, cũng mô tả tương tự:
“Nước Phù Nam ở cách quận Nhật Nam ( tức phía nam đất Trung bộ của nước ta) bảy ngàn lý về phía nam.Vua của họ đóng đô ở thành Đặc Mục. Thành ấy bị Chân Lạp đánh bất ngờ…”
Còn nhiều tư liệu khác nữa, nhưng chỉ cần 2 đoạn trích trên, ta cũng có thể rút ra được 3 điểm:
1/ Vị trí mỗi nước đều được xác định khá rõ ràng. 2/ Ban đầu, nước Chân Lạp là một thuộc quốc của Phù Nam 3/ Sau một thời kỳ bị lệ thuộc, không biết kéo dài bao lâu, Chân Lạp dần lớn mạnh. Không những họ dứt bỏ được ách thống trị mà còn đánh lại và bắt Phù Nam thần phục lại mình. Sự kiện này xảy ra vào giữ thế kỷ thứ VI. Từ đấy trở đi, Phù Nam bị diệt vong hẳn và đất nước của họ bị sáp nhập vào lãnh thổ của Chân Lạp.
Một vấn đề cần lưu ý nữa, đó là có người cho rằng: “ Ở đâu có người Khơme cư trú, thì nơi ấy là lãnh thổ của nước Campuchia ( tức Chân Lạp xưa)”.
Thực tế của thế giới cho chúng ta thấy: Biên giới sắc tộc không nhất thiết trùng hợp với biên giới quốc gia.
Như tộc người Xlavơ ở Đông Âu trong quá trình lịch sử, họ đã thành lập nên nhiều quốc gia khác nhau. Như tộc người Thái ở Thái Lan, họ cũng có mặt tại Lào, miền Nam Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam… Vì vậy, nếu ta chưa thấu hiểu Phù Nam, Chân Lạp là 2 quốc gia khác nhau; và nếu ta chỉ căn cứ vào yếu tố sắc tộc để nói rằng: Cư dân Phù Nam, Chân Lạp cùng là tộc người Khơme nên 2 quốc gia này chỉ là một, thì đó là một qui kết không đúng với thực tế lịch sử.
GS Hà Văn Tấn, nguyên là viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, qua những gì tìm thấy sau nhiều đợt khai quật tại nhiều địa điểm khác nhau, đã khẳng định:
Ngoài khu vực tứ giác Long Xuyên…từ năm 1993 đến nay các nhà khảo cổ học đã tiến hành điều tra, khai quật và tìm thấy các chứng tích thuộc văn hóa Phù Nam tại di tích tháp Vĩnh Hưng (Minh Hải), tháp Bình Thạnh (Tây Ninh), di chỉ Gò Cây Trung ở An Giang, Gò Cao Su ở Long An vv… Các nhà khảo cổ đã bằng cứ liệu khoa học đang làm sáng tỏ lịch sử của vùng đồng bằng Nam Bộ, một phần đất có tinh hoa của nền văn hóa Oc Eo (Phù Nam) Nay việc phát hiện thêm di tích Cát Tiên (cũng thuộc Phù Nam cổ)cùng những thư tịch xa xưa, có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
…Trong Trần Đường Thư có ghi: Chân Lạp có tên là Cát Nhật, Cát Nhật tức là Khơme. Phù Nam là vương quốc rộng lớn, phồn thịnh tồn tại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII.
Theo thư tịch Trung Quốc, vào thế kỷ thứ VII, một phần đất đai của Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính. Với những tư liệu về các quốc gia cổ ở Nam Việt Nam, tôi khẳng định Chân Lạp đúng là Khơme, Phù Nam không phải là Khơme, Khơme cũng chỉ là người xâm lược đất của Phù Nam mà thôi.
VII. Bí ẩn về sự tiêu vong của vương quốc Phù Nam ( thay lời kết):
Đến cuối thế kỷ thứ VII – VIII, vương quốc Phù Nam đi vào đà suy vong. Và một khi các chủ nhân của nền văn hóa này biến mất (?), các công trình văn hóa của họ bị vùi lấp dần; để rồi vùng đất phèn mặn mênh mông này cũng mau chóng trở nên hoang vu.
Châu Đạt Quan, một sứ thần nhà Nguyên trên đường sang kinh đô Ăngkor vào năm 1296 – 1297, đã miêu tả cảnh đìu hiu này trong sách “Chân Lạp phong thổ ký” như sau :
“Từ chỗ vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm.Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng”.
Thật vậy, dấu vết thời hưng thịnh của vương quốc Phù Nam thì nhiều vô kể. Nhưng dấu tích cho biết về thời kỳ suy yếu dẫn đến diệt vong của cả vương quốc này thì còn rất mơ hồ. Có ba giả thuyết thường được nghe truyền miệng trong giới chuyên môn:
-Giả thuyết thứ nhất cho rằng sự xoá sạch cả mộ cộng đồng cư dân rộng lớn như thế chỉ có thể là do thiên tai. Có thể đó là một trận hồng thuỷ hay một cuộc đại dịch bệnh. Nhưng theo những tại liệu được nhiều nhà khoa học thế giới đồng tình thì kỷ tan rã băng hà cuối cùng cách đây ít ra cũng đã 8.000 năm. Những trận động đất hay những cơn sóng thần cục bộ như xảy ra ở Nam Á vừa rồi khó thấy có khả năng xoá được cả một vương quốc như Phù Nam.
Nguyên nhân dịch bệnh lại không thấy có căn cứ. Qua tổng kết các cuộc khai quật chỉ tìm thấy vài mươi bộ hài cốt cổ, mà hầu hết họ đều được táng đàng hoàng trong mộ.
Nhiều ý kiến nghiêng về giả thuyết do những cuộc ngoại xăm tàn sát. Và nghi vấn rằng ngoại ban ấy chính là người Java (Mã Lai). Nhưng chẳng thấy ai đưa ra chứng cứ thỏa đáng.
Thành ra người đời nay, mỗi khi nhìn vào những di vật, lòng thường tự hỏi : “Người xưa đâu tá?”…
Mấy hôm rày, người soạn bài này có đến chùa Linh sơn ở chân núi Ba Thê để lễ Phật. Rồi đi đến gò Cây Thị để ngắm nhìn những phế tích xa xưa. Bất giác chạnh lòng:
Thành xưa giờ đã chìm sâu Người xưa cũng đã lẫn vào cỏ cây Người sau, người sau…qua đây Ngó lên gò Thị, biết ai có buồn? …
Nguồn
1.http://ketban.laodong.com.vn/showthread.php?982256-Bi-an-ve-su-tieu-vong-cua-vuong-quoc-Phu-Nam
2.https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Campuchia
3.http://cungbandulich.com/chau-a/huyen-thoai-ran-than-naga-o-campuchia-t6650.html
4.http://m.trinhnu.net/van/80820
0 comments:
Post a Comment